Câu lạc bộ Văn học dân gian lớp Văn địa K32(07/03/2011)
Tổng bí thư Đỗ Mười đã từng nói: “Một dân tộc trên con đường phát triển phải luôn luôn gắn với cội nguồn, với truyền thống và bản sắc của mình”. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, một quốc gia muốn tồn tại và phát triển mà không tự đánh mất mình thì phải giữ gìn bản sắc dân tộc. Bản sắc dân tộc Việt Nam một phần nằm trong những câu ca dao, tục ngữ, những truyện cổ dân gian… Học phần Văn học dân gian không chỉ trang bị cho sinh viên những kiến thức về các thể loại văn học dân gian mà quan trọng hơn còn làm giàu thêm tình cảm dân tộc trong mỗi người, để rồi các em lại bồi đắp tâm hồn cho lớp học trò sau này của mình.
Xác định được vai trò và tầm quan trọng đó, sinh viên lớp Văn Địa K32 đã cố gắng học tập với tinh thần tích cực, chủ động, tự giác. Câu lạc bộ Văn học dân gian được tổ chức dưới sự gợi ý và hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm lớp chính là một biểu hiện của phương pháp dạy học theo hướng tích cực đó.
Câu lạc bộ Văn học dân gian của lớp Văn Địa K32 được tổ chức tại Phòng nghiệp vụ 1, vào hồi 7h30, ngày 4.3.2011 đã nhận được sự quan tâm của các thày cô giáo và đông đảo các sinh viên trong trường. Tới dự Câu lạc bộ có: Thày Bùi Quốc Việt – Chủ nhiệm Khoa Xã Hội, Cô Trịnh Thị Quỳnh – Phó Chủ nhiệm Khoa Xã Hội, Cô Đào Anh Lê – Tổ trưởng chuyên môn, cùng các thày cô giáo trong trường CĐSP Nam Định, các giáo sinh trong đoàn thực tập của trường Đại học sư phạm Hà Nội và các em sinh viên lớp Văn Sử K31, lớp Âm Nhạc, lớp Văn Địa 32…
Chương trình Câu lạc bộ gồm ba phần:
Để buổi sinh hoạt không trở thành một chương trình giải trí đơn thuần, một số bản tham luận xoay quanh các vấn đề về Văn học dân gian, Văn hóa dân gian đã được chọn lọc và trình bày. Đó là những bản tham luận: “Biểu tượng con tằm trong ca dao tình yêu người Việt” (Do sinh viên Mai Lan trình bày), Bản tham luận về lễ hội Phủ Dầy của sinh viên Trần Thị Nhàn, bài viết “Vai trò của văn nghệ dân gian với việc bồi đắp tâm hồn thế hệ trẻ” của sinh viên Đỗ Thị Ngọc Bích…
Đan xen giữa các bản tham luận là chương trình văn nghệ phong phú: các làn điệu quan họ, những bài hát ngọt ngào về quê hương Nam Định, những tiết mục múa được các em tự biên đạo và tập luyện công phu.
Mở đầu là bài dân ca quan họ Bắc Ninh “Mời trầu”:
Tiếp đến là bài hát “Hẹn hò”, “Đi cấy”, “Cây đa quán dốc”, tiết mục múa trên nền nhạc “Bức họa đồng quê”…
Hấp dẫn và đặc sắc nhất phải kể đến vở kịch “Thày bói xem voi”, do các em sinh viên cùng các thày cô thực tập biên soạn:
Phần trò chơi với những hình thức phong phú, vừa củng cố lại những kiến thức về văn học dân gian (trò chơi ô chữ, trò thi giải đố giữa các đội, trò đoán các câu tục ngữ qua hành động…), vừa tái hiện lại những hình thức trò chơi dân gian truyền thống (như trò bịt mắt đánh trống…) đã được các em tham gia một cách hào hứng và sôi nổi.
Buổi sinh hoạt đã nhận được những ý kiến nhận xét đóng góp của thày Bùi Quốc Việt, cô Đào Anh Lê… Việc tổ chức thành công Câu lạc bộ Văn học dân gian đã tạo nên niềm hứng khởi, say mê và kinh nghiệm quý báu để các em tổ chức tốt hơn những Câu lạc bộ văn học của những học phần sau này.
Hoàng Thị Phương Loan
Khoa Xã hội
- Thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng chính quy năm 2024
- Thống báo tuyển sinh cao đẳng chính quy liên thông 2014(27/06/2014)
- Lễ kỉ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022)
- Tọa đàm kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam(24/12/2010)
- Tuần thứ 04 từ ngày 02/9/2024 đến ngày 08/9/2024