Kỉ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)

Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 là ngày lễ kỉ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm, tôn vinh, tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn.

Năm 1945, từ thành công của Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á – ra đời. Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, hòng khôi phục chế độ cai trị như trước. Để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại giặc ngoại xâm. Nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường.

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ, đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hi sinh. Ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngày 27/7/1947, cuộc họp bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày trong năm làm ngày “Thương binh” đã diễn ra tại xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Sau khi xem xét, Hội nghị nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Từ tháng 7/1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 08/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh – Liệt sĩ của cả nước.

Trải qua 77 năm, Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 đã trở thành ngày kỉ niệm mang ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện sự tiếp nối truyền thống đạo lí “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đây là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh, tri ân đối với công lao của các bậc anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng – những người đã sống, cống hiến, chiến đấu và hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác đền ơn đáp nghĩa cũng được chú trọng thực hiện. Đến nay, 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công trên cả nước đã được xác nhận, được hưởng chế độ ưu đãi ngày một nâng cao. Việc triển khai hiệu quả hoạt động đền ơn đáp nghĩa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tại trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định, hàng năm, nhằm hướng tới kỉ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên nhà trường triển khai, thực hiện, như: hành trình thăm lại chiến trường xưa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh, tặng quà một số gia đình có công với Cách mạng, dọn vệ sinh tại các nghĩa trang liệt sĩ địa phương… Qua đó, các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên, sinh viên nhà trường được bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước, lòng biết ơn và khát vọng được cống hiến cho sự phát triển của đất nước và tỉnh nhà./.

HỘI CỰU CHIẾN BINH
TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NAM ĐỊNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *