Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong bối cảnh quốc tế và Việt Nam sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là lời tuyên cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức, đồng thời cũng là lời báo hiệu thời đại thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.
Tuyên ngôn độc lập thể hiện tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia dân tộc. Đó là sự tiếp nối dòng chảy của ý thức mãnh liệt về Tổ quốc, về núi sông bờ cõi, về chủ quyền quốc gia dân tộc được viết lên từ bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt trong kháng chiến chống quân xâm lược Tống thế kỷ XI đến áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi trong kháng chiến chống quân Minh xâm lược vào thế kỷ XV.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945, bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 một lần nữa nêu cao tinh thần bất khuất, quật cường của dân tộc, là một văn kiện pháp lý mẫu mực về lý luận và biện luận của pháp quyền dân tộc và của công pháp quốc tế hiện đại.
Đối với nhân dân Việt Nam, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là một áng văn lập quốc vĩ đại mở đầu kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là một văn kiện lịch sử có giá trị về nhiều mặt: chính trị, pháp lý, văn hóa, tư tưởng … đồng thời là một tác phẩm chính luận lớn có giá trị cao về mặt văn học và ngôn ngữ, xứng đáng được xếp vào hàng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc ta. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là kết quả tuyệt vời của trí tuệ, điểm hội tụ tư tưởng thời đại, tư tưởng nhân văn cách mạng tư sản cận đại Âu – Mỹ, tư tưởng nhân văn truyền thống phương Đông và tư tưởng nhân văn Mác – Lê nin hiện đại.
Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những chân lý về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Những quyền ấy đã được Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1791 của Cách mạng Pháp xác nhận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng quyền của con người thành quyền của dân tộc. Quyền lợi của mỗi cá nhân được coi là cơ sở cho quyền lợi của cách mạng, của dân tộc. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Đó là sự thống nhất giữa quyền sống của mỗi con người, quyền độc lập của dân tộc. Đó là giá trị nhân bản của Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9.
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã khẳng định “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức một cách khoa học cuộc cách mạng dân tộc của mình. Người đã nhận rõ phạm trù của Cách mạng dân tộc tháng 8 năm 1945. Người đánh giá cao cuộc Cách mạng tư sản Mỹ. Tuyên ngôn độc lập 1945 mở ra một thời đại mới của lịch sử Việt Nam, thừa nhận nguyên lý nhân văn của Cách mạng mạng Mỹ. Sự gặp gỡ của Cách mạng Mỹ thế kỷ XVIII và cuộc Cách mạng Việt Nam giữa thế kỷ XX là sự gặp gỡ từ bản chất nhiệm vụ hai cuộc cách mạng có tính chất tương đồng. Ngọn đuốc độc lập, tự do của Cách mạng dân chủ tư sản Mỹ đã hấp dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng ta tuân theo thứ triết học nhân văn của phương Đông, đồng thời có tính nhân loại. Đó là thế ứng xử chung “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” nghĩa là “cái ta không muốn ắt người chẳng ưa”. Triết lý của đạo Khổng và triết lý phương Tây đều đề cao nguyên tắc đạo đức ấy.
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 bắt đầu bằng một định đề triết học nhân văn dẫn từ Tuyên ngôn độc lập Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1791 với những nguyên lý không thể nào chối cãi được. Sau đó bằng những liệt kê tóm lược, bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 như lời tuyên án chế độ thực dân trong ngày phán xử cuối cùng “Mỗi người sinh ra có quyền bình đẳng” đó là cái muốn của nhân dân Mỹ đấu tranh cho lẽ sống của mình. “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi” đó là nguyện vọng của quần chúng bình dân trong cuộc Cách mạng Pháp đấu tranh vì lẽ sống của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu triết lý nhân văn tinh hoa trí tuệ của nhân dân Pháp – Mỹ. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 từ bản chất như toát lên sự gặp gỡ của dòng triết học nhân văn phương Đông và phương Tây.
Tuyên ngôn độc lập năm 1945 với tư tưởng nhân văn như dòng quy tụ triết học nhân văn Á – Âu – Mỹ, dòng hợp lưu trí tuệ của nhân loại với Việt Nam, đã trở thành sức mạnh trí tuệ đầy sức thuyết phục, thành vũ khí đấu tranh buộc ngay cả kẻ thù chỉ cần một chút lương tri cũng phải thừa nhận.
Trải qua gần một thế kỷ, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là một áng văn lập quốc vĩ đại, là văn kiện có giá trị cao về tư tưởng, lý luận và thực tiễn.
Phạm Văn Chinh
PHÒNG TỔ CHỨC – HÀNH CHÍNH
- Tuần thứ 01 từ ngày 31/8/2020 đến ngày 06/9/2020 năm học 2020 – 2021
- Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trình độ cao đẳng chính quy(17/01/2011)
- Thông báo thi lại học kỳ VI – K35 Cao đẳng hệ chính quy(26/05/2016)
- Tuần thứ 13 từ ngày 07/11/2022 đến ngày 13/11/2022 năm học 2022 – 2023
- Công khai dự toán ngân sách quý IV năm 2023 của trường CĐSP Nam Định