Ngày 6/9/2022, nhân dân cả nước cùng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh và 80 năm Ngày mất của người cộng sản kiên cường, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902-6/9/1942), nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Nghệ An, người chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Phần trưng bày về đồng chí Lê Hồng Phong tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò năm 2018.
Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902, trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng.
Sau khi học hết bậc Sơ học yếu lược, năm 1923, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái bí mật sang Thái Lan, rồi Quảng Châu-Trung Quốc tìm con đường làm cách mạng và được gia nhập Tâm Tâm Xã.
Năm 1924, Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin.
Trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng, đồng chí đã chủ trì công việc của Đảng trong giai đoạn cách mạng bị địch khủng bố ác liệt sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và tham gia soạn thảo, triển khai “Chương trình hành động của Đảng” tạo bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam.
Từ năm 1932 đến 1933, bằng năng lực, trí tuệ và quyết tâm phi thường, đồng chí Lê Hồng Phong đã bước đầu hoàn thành trọng trách mà Quốc tế Cộng sản giao cho, xây dựng lại hệ thống tổ chức của Đảng trong cả nước, khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với cách mạng.
Tháng 3/1934, dưới sự chủ trì của Lê Hồng Phong, Hội nghị thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được tiến hành.
Với việc thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài, mà vai trò như Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đã có tác động hết sức to lớn đối với phong trào cách mạng trong nước.
Trước hết là duy trì niềm tin của quần chúng đối với Đảng, đồng thời, khẳng định sức sống mãnh liệt và vị trí lãnh đạo của Đảng, không một thế lực nào có thể dập tắt được.
Tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản năm 1935, Đảng ta được công nhận là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Khi đó, Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng thành công, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí đã thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí Lê Hồng Phong không những là người lãnh đạo kiên định và tài năng của Đảng, mà còn là tấm gương người cộng sản kiên cường.
Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam. Ngày 23/12/1939 chúng đưa đồng chí về quản thúc tại quê nhà ở Nghệ An. Ngày 20/1/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, giam tại khám Lớn, Sài Gòn.
Cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Tại đây, biết Lê Hồng Phong là nhân vật quan trọng của Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách tra tấn, hành hạ rất dã man.
Đồng chí vẫn nêu cao chí khí cách mạng, không khai báo một lời, đồng thời tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù.
Sức khỏe suy kiệt dần vì đòn thù và bệnh tật, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6/9/1942 sau khi đã nhắn lại “Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng.”
Nghiên cứu về những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, viết: “Bốn mươi tuổi đời, gần hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, tên tuổi của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời của đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, trọn đời hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.”
“Đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp chiến sỹ cách mạng tiền bối, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, chiến sỹ cách mạng kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Những đóng góp to lớn, sự hy sinh cao cả, đạo đức trong sáng của đồng chí sống mãi trong lòng nhân dân. Đồng chí Lê Hồng Phong mãi mãi xứng đáng là tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường để các thế hệ người Việt Nam ngợi ca và học tập.”
Macau (Trung Quốc) – nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất của Đảng (27-31/3/1935).
Tại Đại hội này, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư.
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, khi Lê Hồng Phong còn là người thợ ở Bến Thủy, Nguyễn Ái Quốc đã là một chiến sỹ cộng sản lão luyện, một cán bộ Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế cộng sản.
Tháng 11/1924, khi Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc), Lê Hồng Phong và nhóm Tâm Tâm xã được gặp Người, ngưỡng mộ và quyết định đi theo con đường cứu nước của Người.
Chính những bài học do Nguyễn Ái Quốc giảng về lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, về cách mạng vô sản đã gây ấn tượng mạnh với Lê Hồng Phong và những người đồng chí của anh.
Nhờ sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong được nhận vào học Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Không quân Quảng Châu. Những dấu ấn này là nền tảng để Lê Hồng Phong trưởng thành, đảm nhận được những trọng trách quan trọng, có cống hiến to lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Dành nhiều tình cảm thương mến cho Lê Hồng Phong, trong bức thư gửi ngày 2/3/1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Người viết: “Hồng Phong lão” và thông báo: “Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản An Nam bây giờ đã hợp nhất làm một rồi, tên gọi là Việt Nam Cộng sản Đảng.” Bức thư thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với Lê Hồng Phong.
Đáp lại những tình cảm thân thiết này, Lê Hồng Phong đã không ngừng phấn đấu, từng bước trưởng thành cả về nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo cách mạng, trở thành người cộng sự thân thiết, cùng tham gia hoạt động cách mạng với Nguyễn Ái Quốc.
Trong những năm 30 của thế kỷ XX, Lê Hồng Phong đã có những hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, dưới sự bồi dưỡng, dìu dắt và tin tưởng tuyệt đối của Nguyễn Ái Quốc.
Với những đóng góp to lớn đối với phong trào cách mạng những năm 30 của thế kỷ XX, Lê Hồng Phong được Đại hội lần thứ I của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3/1935) bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, được cử tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
Theo Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), đồng chí Lê Hồng Phong đã có rất nhiều đóng góp vào việc hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Từ mối quan hệ thầy trò, từ việc đồng chí hướng, đồng quan điểm trong quá trình lãnh đạo và hoạt động cách mạng, dù không phải lúc nào cũng ở gần nhau, nhưng Nguyễn Ái Quốc và Lê Hồng Phong luôn có một sự tin tưởng vào nhau, sẵn sàng bảo vệ cho người đồng chí của mình.
Đồng chí Lê Hồng Phong đã thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: Sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí xứng đáng là một trong những học trò, người đồng chí xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Nguồn: TTXVN
- Tuần thứ 28 từ ngày 20/02/2023 đến ngày 26/02/2023 năm học 2022 – 2023
- Thông báo thi học kỳ I lớp TCSPMN 35B1,B2,B3,B4(14/01/2014)
- Tuần thứ 35 từ ngày 08/4/2024 đến ngày 14/4/2024
- Thông báo thi lại kỳ III K38 và kỳ I K39 Cao đẳng hệ chính quy(05/03/2018)
- Tuần thứ 29 từ ngày 26/02/2024 đến ngày 03/03/2024